Bong Hong Cho Tinh Dau

Nguyen Nhat Anh

Bong Hong Cho Tinh Dau

Nguyen Nhat Anh

Bởi anh nghĩ rằng với tình yêu hãy để cho nó đến thật tự nhiên và nếu cần thì để nó tự nhiên khi nó đến.

"Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt..."

Nói về tình yêu mỗi người có một quan niệm riêng và chẳng có giấy bút nào để tả, nói hết về tình yêu của con người.

Về phương diện này, dưới mắt một người dạy văn Vĩnh có thể diễn đạt hoặc giải nghĩa bằng thi ca chứ còn kinh nghiệm bản thân, Vĩnh hãy còn "sót" lắm!

Thuở còn đi học, là học sinh lớp mười hai và thuở là sinh viên Vĩnh cũng đã có lần thấp thoáng "trông vời áo tiểu thơ". Nói là "thấp thoáng" bởi vì anh chỉ mơ màng thấy "tim rung động" chứ chưa hề trải qua một tình yêu thật sự nào cả. Bởi vì anh hơi khó tính và nghiêm trọng chăng?

Loay hoay cất xấp bài vào cặp, Vĩnh khẽ gật gù:

- Anh chàng thầy trong bài thơ trông có vẻ diễm phúc khi trò chuyện với người yêu là cô bé nữ sinh.

Còn Vĩnh thì sao? Có lẽ trái tim anh đã khô, chai mất rồi chăng?! Bởi anh chỉ tìm được xúc cảm chân thật qua bài giảng. Còn nữ sinh lớp mười hai, anh vẫn thấy chúng... bé bỏng làm sao ấy! Dưới mắt anh, chúng mãi mãi là học trò, là các đệ tử của anh thôi!

- Bây giờ mình quan niệm thế, chứ mai sau... ai biết được sự đời?!...

Vĩnh nghĩ ngợi như thế và mỉm cười vu vơ. Anh trở lại bàn viết chuẩn bị sách vở đi dạy.

Trời đã vào đông, gió heo may đem cái lạnh se se thật dễ thương đến với mọi người. Buổi sáng không khí có vẻ trông đáng yêu hơn vì có sương mù bàng bạc bay qua kẽ lá, vòm cây làm cho không gian mờ ảo như có mây mờ giăng kín.

Trời mùa đông có cái xinh đẹp riêng của nó. Tiết trời mùa đông làm Vĩnh cứ liên tưởng đến lời một bài hát nói về một phố núi cao nguyên rất là kỳ ảo...

"Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố xá cây xanh, trời thấp thật buồn
Anh khách lạ, đi lên, đi xuống.
May mà có em, đời còn dễ thương
Em Pleiku, má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong..."

Mùa đông, phố núi Pleiku có vẻ đẹp kỳ ảo với phố cây xanh và trời thấp thật u buồn. Càng đẹp hơn nữa khi có các cô em "má đỏ môi hồng" làm cho lòng người ngơ ngẩn như say vì cái lạnh và cái đẹp.

Anh chàng khách lạ nào đó, đến xứ lạnh Pleiku chợt dâng tràn một nỗi buồn xa cách. May mà anh còn có người để cảm thấy "đời còn dễ thương"...

Mùa đông, thành phố nơi Vĩnh đến dạy học cũng khá dễ thương với các sắc áo len tô điểm con phố. Nhưng ở thành phố này, Vĩnh không có ai "má đỏ, môi hồng" để làm anh náo nức mộng mơ. Cho nên đời anh vẫn bình yên như mặt hồ tĩnh lặng. Không có ai làm lòng anh vương vấn. Mùa đông của Vĩnh chỉ đơn giản có những cánh bướm trắng trong sân trường khoác áo len đủ màu đi học, làm vui mắt anh thôi! Vĩnh nhìn lại mình, người phong phanh một chiếc áo sơ mi trắng nếp, lịch sự. Không áo ấm, áo len, nghênh ngang trong lòng phố, tận hưởng hương vị đất trời vẫn thấy mùa đông đẹp ghê nơi...

 

- Ê, tụi mày ơi! Lại đây xem tao nhặt được cái này nè!

Tiếng Nguyệt Quế la oai oái khi nó lia chơi trong hộc bàn chỗ của Đoan.

- Gì đó! Gì đó!

- Có "kí rì" quan trọng hôn mà la dữ vậy?

- Nhanh lên đi! Bảo đảm hấp dẫn "bá cháy" luôn.

Lập tức mấy cái chổi bị vứt xuống đất. Ba cái đầu chụm lại trên một tờ giấy tập học trò gấp làm tám.

Nguyệt Quế vừa cười hí hí vừa mở tờ giấy chiến lợi phẩm bày ra trước mặt Vân Anh và Hương Trầm. Nó làm ra vẻ bí mật. Mắt nó láo liên hướng về cửa lớp. Dầu trời còn sớm, nó vẫn lo... bị con mắt của kẻ thứ tư phát hiện. Bởi vì hôm nay tổ trực nhật thứ tư của Nguyệt Quế đã tình cờ khám phá ra một "bức thư tình mùa đông" của một "chàng bí mật" gởi cho nàng Thục Đoan.

Nó liếc về cửa lớp ra lệnh:

- Ê, tới cửa sổ đọc cho sáng. Nhớ coi chừng con nhỏ Đoan tới!

Hương Trầm láu lỉnh:

- Được rồi! Để tao canh me nó cho!

- Có gì đâu! Nó vô thì đọc cho nó nghe luôn! - Vân Anh nhẹ nhàng hơn.

- Đọc lẹ đi để tụi nó vô là "bể"!...

Sáu con mắt lại "thò" vô tờ giấy, chợt Hương Trầm la lớn:

- Ê, thơm quá tụi bây ơi! "Tướng" này chơi ướp nước hoa vào bức thư tình của hắn để "hớp hồn" người đẹp đấy! Khà, khà! - Nó khịt mũi hít hà.

- Thơm thúi gì kệ người ta! Mày sao... "lu sơ bu" quá! - Nguyệt Quế nóng nảy.

Sáu con mắt tò mò lại "chõ" vào tờ giấy, hồi hộp như ăn vụng sợ bị bắt quả tang! Cả ba đều nín thở theo dõi những dòng chữ nắn nót:

"Thục Đoan thân mến,

Phải nói rằng mình rất vui khi viết cho Đoan mấy chữ này. Nó chứng tỏ lòng mến mộ của mình với "chủ nhân" của những bài luận văn "quá đã" mà thầy vẫn thường đọc cho cả lớp nghe...

Mấy năm nay mình thấy mến Đoan chút chút qua tính tình nhu mì và vẻ dịu dàng của bạn. Nhưng mình đành "ngậm tăm" vì quanh bạn có nhiều "nữ vệ sĩ" đắc lực quá nên mớ tình cảm mới nảy sinh đó đành chỉ là... phù vân thôi Đoan ạ!

Bây giờ mình lại viết cho Đoan những dòng này vì mình thấy tình cảm của mình đối với Đoan bấy lâu nay cũng vẫn vậy. Nó không chết đi mà nó vẫn tiềm tàng ngày một... nặng sâu.

Nếu Đoan từ chối, chắc chắn mình sẽ không bao giờ thi nổi. Vì trái tim của mình lúc này nó cũng thường xuyên "bị lên máu" mỗi khi Đoan vô tư, hời hợt với mình...

Mình không xưng tên nhưng hy vọng Đoan biết mình là ai khi đọc kỹ những dòng trên đây. Nếu viết cho mình, Đoan cứ để ngay chóc chỗ Đoan nhận thư này là mình sẽ nhận được.

Thôi mình stop. Nhớ giữ "bí mật quân sự" trước các "nữ vệ sĩ" của Đoan...

Thân ái,
T.Đ."

- Ý cha mẹ ơi! Thuở đời viết thư tỏ tình mà ký tên tắt, ai mà mò ra tên ông tác giả!

- Dễ ẹt! Cứ dò hết mấy tên ông có mẫu tự TĐ là biết chứ gì!

Nguyệt Quế lõ mắt:

- Í, sao lại là "TĐ" hả mày? Rủi "TĐ" là Thục Đoan rồi sao?

- Đồ khùng! Không lẽ nó đi gởi thư tỏ tình cho nó hả?

Nguyệt Quế chớp mắt:

- Ừa hé! Tao quên!

Và nó lại cắn môi:

- Vậy chứ "TĐ" là ai cà?

Hương Trầm xòe tay:

- Lớp mình có ba "ông thần" tên có mẫu tự "TĐ", Thuận Đức nè, Trí Đạo nè, Tuấn Đăng nè! Rồi đó! Đâu tụi mày thử nghĩ xem ai là tác giả bức thư này?

- Bố tao cũng không biết nổi!

- Vậy phải điều tra cấp tốc chứ sao?

- Điều tra bằng cách nào?

- Khó gì! Ăn cắp của mỗi ông một quyển tập để đọ chữ với lá thư chứ sao!

- Hà hà sáng trí! Sáng trí! Đáng thưởng cho một cái "kí"!

- Đừng tào lao nữa! Đứa nào lãnh nhiệm vụ "ăn cắp" tập của ba thằng "TĐ"?

Hương Trầm cười khoe hàm răng trắng nõn:

- "TĐ" hay là "Pê Đê"?

- Bậy bạ! "TĐ" mày! "Pê Đê" ở đâu đây? - Nguyệt Quế trề môi.

Vân Anh nháy mắt:

- Ê, có vài đứa vô lớp rồi đó! Quét lớp lẹ lên! Giờ chơi bàn tiếp!

- Để giờ chơi nó... nguội!

- Đúng đó, giờ chơi mình sẽ "hành động", thử tài làm "thám tử" đa... đa...

Vân Anh lại nhướng mắt thì thào:

- Ê, bớt con khỉ đi! Giờ chơi đứa nào lãnh nhiệm vụ "đạo chích"?

- Mày chứ ai?

- Xạo đi! Tao không được. - Vân Anh giậm chân bịch bịch. - Tao... kém lắm!

- Vậy chứ ai vô đây? Hỏng lẽ tao?

Hương Trầm lý sự.

Vân Anh che một bàn tay lên miệng. Cái lúm đồng tiền vô tư lại lũm sâu vào má khi cô nàng cười nói và con mắt lúng liếng của nó lại hướng về Nguyệt Quế:

- Hỏng phải tao, cũng hỏng phải mày. Vậy thì "chị" Nguyệt Quế chứ ai!

Nguyệt Quế trợn mắt:

- Tụi mày khôn bỏ xừ! Cái gì nặng nề "khó nhai" nhất thì để dành cho tao!

Vân Anh vuốt nó:

- Ậy! Trong ba đứa, mày "khéo tay" nhất lại thông minh linh lợi thần sầu nên tụi tao đề cử mày là phải rồi.

- Tao cóc ngán đứa nào! Nhưng tụi bay phải hỗ trợ tao, canh tụi nó cho kỹ kỹ kẻo mang tiếng tao ăn cắp... tập.

- Ậy! Chuyện đó mày khỏi lo. Cứ yên tâm hành động, có tụi tao yểm trợ phía sau.

Hương Trầm đi dẹp chổi chợt nó quay ngoắt lại chỗ Vân Anh và Nguyệt Quế đang lúi húi trải khăn bàn và dọn bình hoa.

- Quên nữa! Có báo cho con Đoan biết không?

Vân Anh quyết định thật nhanh. Nó nháy mắt cười ruồi:

- Để tao "thủ" chuyện đó cho! Mày cứ lo canh me cho con Nguyệt Quế "làm ăn" ngon lành một chút!

Chợt tùng, tùng, tùng... trống báo mười lăm phút đầu giờ vang dội. Lớp học đã sạch sẽ gọn đẹp. Bàn giáo viên sáng rực với bình hoa cúc Nhật màu vàng nắng thật dễ thương.

Một ngọn gió lạnh từ cửa thổi thốc vào làm Vân Anh rùng mình dù nó mặc chiếc áo len hồng dày cộm. Vân Anh xóa bảng cho thật sạch rồi đứng trên bục nhìn xuống lớp. Bạn bè đã vào đông đủ. Nhỏ Đoan hôm nay mặc áo ấm vàng màu hoa cúc. Phần đông con gái đều mặc áo len đi học mùa đông. Ai cũng co ro trong rét mướt trông thật dễ thương.

Vân Anh nhìn về phía dãy bàn hướng ngoài cửa lớp của các bạn trai. Mấy "ông tướng" không ai mặc áo ấm cả trừ một vài anh chàng họ "điệu" khoác áo gió để làm duyên, làm mất hết cái chí khí nam nhi của các đấng "trượng phu tòng"!

Vân Anh khẽ liếc về hướng Thuận Đức. Anh chàng này học tương đối giỏi đều các môn. Anh ta lại đẹp trai, con nhà giàu. Thuận Đức thường ít nói, ít kết bạn với nhiều người. Anh ta đang hí hoáy ghi ghi chép chép gì trên giấy.

- Không lẽ anh chàng này!

Vân Anh nghĩ ngợi.

Giữa bàn hai, Trí Đạo đang ngồm ngoàm nhai một ổ bánh mì bự tướng. Anh chàng này thì học bình thường thôi, không có gì đáng nói. Cô lớp trưởng thông minh loại bỏ khả năng Trí Đạo là tác giả của bức thư.

Người cuối cùng, tên có mẫu tự "TĐ" là Tuấn Đăng. Ông này có giọng "tê no" ồm ồm như loa bể, dễ làm khiếp vía mấy "nàng" hay mơ mộng. Nhỏ Thục Đoan sợ ông này nhất bởi ông hay bất ngờ hét lên một cái khi ông phát biểu, làm cho nó muốn rụng tim! Ông này giỏi toán, khá văn. Không có lý ông "bái" con Đoan làm "sư mẫu" và đem lòng "yêu thương" cô nàng qua mấy bài văn thầy đọc cho cả lớp nghe?!

Vân Anh cắn môi suy nghĩ, thói quen cố hữu của cô nàng mỗi khi suy nghĩ thật sâu một điều gì. Nhớ tới nội dung bức thư tỏ tình có chỗ lâm ly, ướt át như đường lên "đỉnh phù vân", Vân Anh quên mình đang đứng trước lớp, bật cười khúc khích.

Mấy ông "thiên bồng nguyên soái" bị đọa xuống trần thấy "Tiên Nga" cười đẹp quá, dễ thương quá bèn ngẩn ngơ hết mấy giây. Nếu không bị giọng ồ ồ của Tuấn Đăng "đánh thức" dám bị "liệt dây dòm" hết ráo.

- Lớp trưởng ơi! Sáng lạnh muốn tê người, có gì vui mà cười... xinh thế!

Đám con gái quay ngoắt lại nhìn Tuấn Đăng như nhìn sao chổi "Halley" xuất hiện giữa ban ngày. Đám con trai thì đồng loạt ré lên bày tỏ một sự ngạc nhiên cực độ. Bởi chúng yên trí "ông tên no" đang "thả dê" lớp trưởng của chúng.

- Úy, cha mẹ ơi! "Tê no" hôm nay dám khen lớp trưởng mình "xinh" giữa ban ngày ban mặt nghe! Quý vị thấy sao quý vị?

- Tiến bộ quá chớ sao! Đề nghị hoan hô "trai anh hùng" với "gái thuyền quyên" một phát!

Bên con trai lại rộ lên "hoan hô!". Quang "quậy" và Tín "điệu" phóng lên bàn trên xúm lại vò tóc của Đăng "tê no" làm nó bù xù như cái tổ quạ.

Vân Anh không ngờ mới sáng đã bị sao "xúi quẩy" chiếu mệnh. Đầu tiên mặt cô nàng thoáng ửng hồng như được phết lên một lớp phấn hồng thật đẹp. Nhưng chỉ ít phút sau, Vân Anh đã lấy lại được phong độ cứng cỏi vốn có của một kẻ "bảy đời" làm lớp trưởng.

Đợi cho cả lớp nhất là bên con trai bớt "loạn", Vân Anh thong thả bước lên bục:

- Giải lao như thế đủ chưa các bạn? Gần hết mười lăm phút đầu giờ rồi! Chúng ta nên nhớ rằng ai cũng có quyền được đùa vui. Nhưng đùa như thế nào để người khác không thấy... ngại, và nhất là các bạn đừng nên quên để dành tiếng cười lành mạnh thoải mái của chúng ta lúc nghe tin... chúng ta vào đại học.

Lần này thì con trai quê quá, há hốc miệng ra nhìn cô lớp trưởng duyên dáng thông minh đang "lên lớp" chúng hết sức... ngọt ngào, mà chúng không có một lời nào "đốp" lại.

Con gái thì kín đáo hơn. Chúng ý nhị trao cho nhau những nụ cười khoái chí. Trong bụng các nữ nhi đang khoái tỉ tê vì bọn mày râu đã bị lớp trưởng tuyệt vời của chúng quật cho một cú nốc ao... chí mạng!

Mười lăm phút phù du trôi qua thật nhanh. Thầy Vĩnh ào vào lớp như một cơn gió. Hôm nay thầy sẽ giảng cho lớp nghe bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng.

Đoan chăm chú lắng nghe. Thầy Vĩnh giảng về thơ rất hay. Đoan thấy không thể so sánh thầy với cô Dung được. Bởi mỗi người có một phong cách thể hiện riêng, cũng như một sức cảm thụ văn học hay một xúc cảm về thi ca rất khác biệt mà Đoan không tài nào sánh được, như so sánh vẻ đẹp của hai bông hoa cùng một lúc.

Trong các môn học, Đoan thích nhất môn văn. Trong khi Đoan biết có nhiều bạn của Đoan rất chán môn học này. Có đứa phát biểu môn Văn thường khiến người ta dễ bị "mộng du", cứ tưởng mình hiu hiu phiêu bồng trên các ngọn cây, môn học lơ tơ mơ, ngái ngủ, chán phèo phèo!

Đoan thì lại khác. Từ khi biết cảm nhận cái đẹp, biết yêu thiên nhiên, biết say đắm với cái đẹp của đất trời, của hoa lá cỏ cây, sự mều dịu của những cánh cò bay lả, trên những cánh đồng ruộng xanh rì thẳng tắp thơm hương cốm, hương chè, của những câu ca dao tuyệt đẹp... văn chương đã ăn sâu vào huyết quản của Đoan, biểu hiện thành một cội nguồn dân tộc sâu xa.

Bây giờ nghe lời thơ lôi cuốn của thầy, Đoan như được bơi lội trong dòng suối thi ca trác tuyệt của buổi bình minh, giữa cảnh rừng hùng tráng có tiếng chim muông làm nhạc đệm.

Tiếng giảng thơ của thầy có sức làm cơn nắng giữa ban trưa dịu lại, khi êm ái như lời bà ru cháu, khi mượt mà như ánh trăng khuya làm lòng Đoan chợt chơi vơi như sóng biển. Tiếng thơ của thầy có sức làm tan hơi lạnh của mùa đông giá rét. Trước mắt Đoan, chân dung của các chiến sĩ Tây Tiến gây ấn tượng sâu đậm qua lời giảng của thầy.

Nhưng hôm nay, Đoan cảm thấy bộ ba Vân Anh, Nguyệt Quế, Hương Trầm có gì làm sao ấy!

Mức độ tập trung của Đoan gần như bị hạn chế bởi Hương Trầm, Nguyệt Quế cứ thỉnh thoảng ngó ngoái qua dãy bàn nam như để tìm ai hoặc dò xét một việc gì mà Đoan không thể nào hiểu nỗi!

Bình thường ba con nhỏ này học rất chăm. Nguyên cớ gì hôm nay chúng bỗng trở chứng ngó ngoáy ngọ ngoạy liên tục? Đoan tức tối nghĩ bụng, giờ chơi sẽ hỏi bọn nó cho ra lẽ!

Bỗng từ bàn trên, Nguyệt Quế "bắn" xuống cho Đoan một tờ giấy nhỏ vo tròn xếp lại như một viên bi. Đoan luống cuống ngó xuống chân. Viên bi lọt tuốt vào trong giày của nhỏ Hạnh "xù". Đoan liếc thầy cẩn thận rồi thò chân "khèo" chiếc giày của Hạnh lại gần rồi bất ngờ thò đầu xuống ngăn bàn móc viên bi thật khéo.

Vẫn liếc chừng thầy Vĩnh, Đoan mở ra viên bi chết tiệt thật nhanh. Thì ra đó là một "tối hậu thư" của nàng Nguyệt Quế.

"Ê Đoan,

Giờ chơi tụi tao sẽ báo cho mày hay một tin "khốc liệt" cỡ cơn bão Lin-Đa số 5 hồi "nẵm", bảo đảm hấp dẫn như chuyện ma cà rồng, mắc tức cười cỡ chuyện vua Khang Hy vi hành, lâm ly mùi mẫn cỡ chuyện tình trên chuyến tàu Titanic...híc...híc...

Bởi vậy khi nghe trống đánh cái "thùng" một tiếng, mày làm ơn phóng theo con Vân Anh xuống gốc cây phượng già dưới sân trường đợi bọn tao ở đó...

Trong khi chờ đợi, con Vân Anh sẽ cho mày biết chuyện gì...

Nhớ mau chân, không được trễ nải! (Thời giờ là vàng 9999 SJC).

Còn bây giờ, tiếp tục bình thản theo chân ông Vĩnh... "Tây Tiến". Đừng có "quánh lô tô" trong bụng, ổng biết được thì bể mánh hết!

NQ".

Thầy Vĩnh vẫn say sưa "quên đi" trong nhịp thơ trầm hùng đặc sắc của Quang Dũng. Nhưng Đoan không còn bình tĩnh để nghe thầy giảng nữa. Bức "tối hậu thư" của Nguyệt Quế đã làm Đoan bị phân tâm.

Loáng thoáng bên tai Đoan lời thầy Vĩnh như hơi gió tiếng mất, tiếng còn...

"Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy"...

Tùng! Tùng! Tùng!... chưa dứt một hồi trống, Vân Anh đã bay lại cặp cổ Đoan phóng tuốt ra gốc cây phượng già.

 

Nếu con nhỏ Vân Anh giỏi nghề "lớp trưởng" bao nhiêu thì chuyện "bắt cóc người tống tiền" của nó cũng sành điệu bấy nhiêu!

Đoan chạy theo nó muốn trật quai guốc mới tới gốc cây điểm hẹn. Chưa kịp lấy hơi thở điều hòa, nó đã nắm tay Đoan nhét vào một tờ giấy gấp tám phảng phất hương thơm. Nó bảo:

- Bình tĩnh, "vịn" trái tim của mày lại mà nghe tao nói: đây là một bức thư tình "không chân dung" của một chàng "Từ Hải thời đại" gởi cho mày. Con Quế lượm được ở chỗ hộc bàn của mày. Bởi vì cái chỗ "không chân dung" nên bọn tao mới phải "truy tìm thủ phạm" giúp mày, vì mày còn... khờ khạo quá! - Nó hểnh hểnh mũi nói tiếp. - Hai con Quế, Trầm đang ở trên lớp tìm cách "thuỗn" tập của các chàng trai ra đây, đọ chữ hầu truy tìm "người yêu" cho mày. Sự việc là vậy! Đọc thư đi rồi... học cho thuộc để làm bùa... tránh ma... bắt... quỷ!

Đoan dán mắt vào bức thư, đọc lướt nhanh và chú ý thật kỹ tên người gởi ở cuối thư. "TĐ". Cô nàng ngẫm nghĩ: "Là ai nhỉ?"

Đoan xếp bức thư lại lòng lạnh tanh không chút mảy may xúc động hay có tí rộn rã nào khi được người tán tỉnh.

Vân Anh dò xét từng chuyển biến trên mặt bạn, tủm tỉm cười:

- Sao?

- Sao trăng gì? Có gì đâu mà tụi mày phải rộn ràng cho mệt!

- Tim mày có nhảy "măm bô" chưa?

- "Lam ba đa" tao còn chưa ngán nữa là "măm bô".

- Bây giờ thì chưa... nhảy, nhưng mai mốt tim mày sẽ nhảy!

Đoan phì cười. Đám bạn của Đoan là vậy. Nói chuyện thì "quái quái" vậy đó. Nhưng bọn chúng rất tốt, rất dễ thương.

Đoan nhịp nhịp chân vẫn giữ nụ cười mỉm trên môi.

- Vân Anh xinh tươi như một trái táo mà nói chuyện thì... "xí ngầu" không ai ngờ!

Bỗng từ trên hành lang, Quế, Trầm lao ào xuống chỗ Vân Anh và Đoan đang ngồi. Hai con nhỏ móc trong bụng ra ba quyển tập quẳng cái phạch trên cỏ. Vân Anh gập người lại mà cười, thầm "phục lăn" hai con nhỏ bạn ranh ma "xuất chúng".

Nguyệt Quế láu táu:

- Hai đứa tao phải tốn cỡ hai lít mồ hôi, "mưu trí" lắm mới rinh được chiến lợi phẩm về đây!

- Thế mới biết làm nghề "đạo chích" cũng mệt bỏ bu! - Hương Trầm cười hì hì.

Xen lẫn với tiếng cười hể hả là tiếng lật tập loạt xoạt. Ba tuồng chữ được phơi bày ra dưới ánh mặt trời bên cạnh bức thư. Sau một hồi bỏ mắt quan sát từng chữ, từng dấu, ba con nhỏ hăng hái nhất đã bắt đầu xìu như bóng xì hơi.

Nguyệt Quế rên nghe thật não nuột:

- Công cốc!

Hương Trầm cũng thở dài:

- Ba tuồng chữ khác biệt tuồng chữ ở trong lá thư như ba người khác ba, khác má!

Vân Anh không nói gì. Nó chỉ ngắm trời mây, nhưng thật ra đầu óc thám tử của nó hoạt động dữ dội. Nó lẩm nhẩm, lầm bầm. "Tê Đê... Tê Đê..."

Chợt nó chụp lấy bức thư nhìn thật kỹ tên "tác giả" viết tắt lần nữa rồi "à" lên khoái chí!

- Ha, ha! Tao biết tướng đó là ai rồi!

- Ai?

- Ai? - Hai nhỏ kia chồm lên.

Vân Anh mở to mắt tròn đen như hai hạt nhãn. Miệng cô nàng mở hết ga:

- Quỷ sứ... Tín "điệu" chớ ai vô đây!

- Trời đất! Sao mày biết?

Vân Anh lại vạch bức thư ra:

- Đây nè, mẫu tự "đê" nó đâu có viết hoa đâu?! Vậy thì chỉ có Tín "điệu" chứ không có Tuấn Đăng, Trí Đạo, Thuận Đức... khỉ khô gì cả!

Hương Trầm nhe răng:

- Sao mày không nói sớm cho tụi tao khỏi mất công!

Vân Anh cười rũ rượi:

- Sớm sao được mà sớm! Thì tao chỉ mới phát hiện ra tức thì thôi chứ bộ!

Tẽn tò một giây rồi cả bọn cùng ngã lăn ra trên cỏ mà cười.

Chợt Vân Anh bò dậy:

- Ê, cấp tốc đi trả tập về chỗ cũ cho mau, kẻo chúng chửi hết cả đám à!

Hai "quân sư" của Vân Anh lồm cồm ngồi dậy, nhét vội ba quyển tập vào bụng rồi thăng mất!

 

   Tưởng chuyện bí mật của Đoan chỉ có Tín "điệu" và ba con bạn thân yêu của Đoan biết mà thôi. Ai dè!...
   Không biết từ một lỗ mọt nào mà chuyện đó bị... xì ra... Ban đầu còn xì ra in ít, cho đến một ngày...
   Một ngày như mọi ngày, thầy Vĩnh nện gót giày lộp cộp từ hành lang vào lớp. Thầy đứng thật nghiêm trên bục, đảo mắt nhìn khắp "hang cùng, ngõ hẹp" của lớp rồi mới ngồi xuống ghế và giở sổ "sanh, tử" ra dò.
   Cây bút trong tay thầy chạy lên, chạy xuống từ đầu đến cuối sổ làm những trái tim bê bối khóc hu hu trong lồng ngực. Chợt thầy ngừng lại ở đầu sổ, dõng dạc:
   - Vân Anh! Thái Thụy Vân Anh!
   Vân Anh cầm tập lên bàn thầy, rất tự tin ra dáng con nhà "lĩnh đạo".
   - Em hãy đọc khổ thơ đầu trong bài thơ "Tây tiến".
   -
"Sông Mã xa ri Tây tiến ơi!
     Nh v rng núi, nh chơi vơi
     Sài Khao, sương lp đoàn quân mi...
     ...
     Mai châu mùa em cơm nếp xôi..."
   - Tốt! Bây giờ em cho thầy biết vài nét về nội dung bài thơ?
   - Thưa thầy bài thơ nói về chân dung các chiến sĩ Tây tiến và cuộc hành quân của họ!
   - Vân Anh rất thuộc bài, thầy ghi điểm chín!
   Cây bút trong tay thầy lại tiếp tục hành quân và ngừng lại ở tên Lê Thị Tuyết.
   Ở dưới có tiếng reo:
   - Tuyết "lùn" dính đạn rồi!
   Tuyết "lùn" đủng đỉnh đi lên bàn thầy. Tóc nó hôm nay được tém gọn gẽ hơn, đôi guốc cao bảy phân vẫn không làm cho nó cao thêm mấy tí!
   Nhỏ Tuyết cười duyên với thầy Vĩnh một cái lấy hên. Nhưng thầy phớt lờ.
   - Em cho tôi biết ý nghĩa của câu thơ
"Sông Mã gm lên khúc độc hành".
   Tuyết "lùn" ỏn ẻn một chút rồi xụi lơ. Bởi nó chỉ thuộc lòng bài thơ chứ nó không hề nghe thầy Vĩnh giảng bài tuần trước và nó cũng đã lỡ không coi trọng môn Văn từ lâu.
   Thầy giáo nén giận nói:
   - Cán sự văn đâu, em giúp bạn "gỡ bí" câu này xem nào?
   May phước, Đoan đã soạn bài rất kỹ, dù tuần trước có lỡ "lo ra" chút đỉnh, Đoan vẫn sợ thầy chiếu tướng bất ngờ nên không dám lơ mơ.
   - Thưa thầy ý nghĩa của câu thơ
"Sông Mã gm lên khúc độc hành" là ý câu thơ muốn khẳng định tính chất bi hùng trong sự hy sinh của các chiến sĩ Tây tiến.
   - Tốt!
   Thầy nhắc thêm:
   - Cán sự văn nhớ giúp đỡ các bạn nào còn yếu môn văn nhé!
   Đoan "dạ" và ngồi xuống. Thầy Vĩnh ghi điểm năm vào tập Tuyết "lùn".
   - Lần sau em cố gắng học bài kỹ hơn và chú ý nghe giảng nhé!
   Nó "dạ" lấy lệ rồi nguýt ông thầy một cái trước khi về chỗ.
   Thầy Vĩnh lại rà cây bút và lôi thêm một tên:
   - Mai Trung Tín.
   - Thấy bố!
   - Tiêu tùng... Tín "điệu" rồi.
   Tuyết "lùn" kín đáo ngó Tín "điệu" thật nhanh. Nó thầm "oán" thầy Vĩnh.
   Chàng "điệu" nhỏng nhảnh, õng ẹo lên bàn thầy. Một tay mân mê, vuốt vuốt cọng tóc "đuôi rùa" rất quái, được chừa lại khi hớt tóc và ép sát nó và một bên thái dương.
   Mọi con mắt đều đổ dồn về Tín "điệu". Nhiều tiếng xầm xì to nhỏ và một vài ánh mắt len lén hướng về phía Đoan làm Đoan không khỏi bực mình.
   Thầy Vĩnh hỏi:
   - Câu thơ
"Tây tiến đoàn quân không mc tóc" có ý nghĩa như thế nào em?
   Tín cười thầm "ồ dễ quá mà!" Tưởng thầy bắt đọc thơ thì nó thua. Bởi tuần trước đầu óc nó bận chuyện "thảo" một bức thư tình cho "người yêu dấu" nên một chữ trong bài thơ của thầy cũng không lọt vào đầu nó được. Còn chuyện giảng thơ... thì nó dư sức đi! "Đoàn quân không mọc tóc là gì cà?...À, à!"
   Mọi người thấy nó ngó trên trần nhà tìm... thằn lằn, rồi lại ngó ra cửa sổ tìm chim. Chợt mặt Tín cười hơn hớn:
   - Thưa thầy, "Đoàn quân không mọc tóc" là đoàn quân này... không có... tóc... à... à... có nghĩa là... đây là một đoàn quân... xuất chinh từ một ngôi chùa ạ.
   Cả lớp cười nghiêng ngửa. Thầy Vĩnh thấy... ngao ngán cho nó quá bèn quyết định cho Bùi Kiệm gỡ huề câu khác gọi là chiếu cố con cháu nhà họ Bùi. Thầy khoác tay:
   - Thôi được rồi! Em cho tôi biết tựa đề của bài thơ này đi.
   Tín lại đứng đực ra. Nó không dám nhìn Đoan, sợ quê... hai chục cục! Len lén nó khẽ đưa mắt cầu cứu đám bạn chí cốt, chí tình của nó ở xóm nhà tranh.
   May thay Tín thấy Phát "ốc mày" đã nhận được "tín hiệu S.O.S". Nó ra dấu chỉ tay về hướng mặt trời lặn và trỏ vào thằng Tiến ngồi bên. Tín mở cờ trong bụng:
   - Thưa thầy, bài thơ có tên là "Đông Tiến" ạ!
   Phát "ốc mày" giậm chân vì tức.
   Cả lớp lại một phen cười nữa. Thầy Vĩnh bắt đầu tỏ vẻ buồn cho "số kiếp" của "Bùi Tín" phản động sẽ phải lãnh một chữ "O" tròn đỏ chét vào tập.
   Sau này thấy các thành phần cách biệt có nhiều chuyển biến tốt, thầy Vĩnh ít khi rà soát chúng. Bởi thầy thường nhắc nhở cả lớp học tập tự giác là bổn phận của mỗi học sinh. Bây giờ Vĩnh mong chuyện Tín "điệu" không thuộc bài chỉ là một hiện tượng chứ không phải là một bản chất của nó nữa.
   Bỗng trong tiếng ồn ào lộn xộn, thầy Vĩnh nghe một thằng phát biểu:
   - Hi hi! Nếu thầy bắt nó đọc bài "Đoan tiến" chắc chắn nó sẽ thuộc làu như cháo chảy. Hì, hì!
   - Mày nói đúng đó! "Đoan tiến" chứ Tây tiến, Đông tiến có nghĩa lý gì.
   Kín đáo nhìn về cô bé học trò cán sự văn thông minh, học giỏi đang cúi đầu bên trang sách mở một cách chăm chú vô tư, Vĩnh dần dần hiểu chuyện...
   Vĩnh không ghi điểm vào tập thằng Tín mà cho nó nợ lại tuần sau.
   Ở bàn trên, Nguyệt Quế thủ thỉ vào tai Hương Trầm:
   - Chuyện kín như bưng mà sao lọt tới tai tụi nó vậy mày?
   - Có chuyện gì khó hiểu đâu! Sao mày không nghĩ rằng chuyện bị "xì" do chính miệng thằng Tín "điệu" tung ra.
   - Ờ há!
   - Tội nghiệp con Đoan.
   - Sức mấy mà nó thèm.
   - Ờ! "Đũa móc mà đòi mâm son"!
   - "Đỉa mà đòi đeo chân hạc" chứ mày!
   - Đúng chóc!
   Qua chuyện không thuộc bài thơ "Tây tiến" của thằng Tín, chuyện Tín cua Đoan đã bị bể. Riêng Đoan chỉ nhìn và nghe qua một số câu là Đoan đã nắm bắt được sự việc.
   Tuy nhiên Đoan chẳng hề hấn gì đâu. Bởi trái tim của Đoan vững như thành, Đoan chỉ trao nó cho người mà Đoan mến nhất mà thôi!
   Nhưng Vân Anh tinh tường hơn. Cô nàng không những nắm bắt tình hình thật nhanh mà còn đang chăm chú theo dõi thái độ và những diễn biến trên mặt Tuyết "lùn". Trong lớp này ai mà không biết Tuyết "lùn" thích Tín "điệu". Cho nên mặt của Tuyết "lùn" "chù ụ". Khi nghe bọn con trai kháo nhau, Tín chỉ thuộc bài thơ "Đoan tiến". Tuyết "lùn" thấy máu nóng bốc lên mặt. Nó hậm hực nhìn Đoan xem nhỏ có nét gì khả ái mà "cướp" được trái tim Tín "điệu" của nó. Cũng vừa lúc đó Tuyết "lùn" bắt gặp thầy Vĩnh đang chăm chú nhìn Đoan, cũng là lúc Đoan từ từ ngước lên nhìn thầy.

 

    Chấm bài xong, Vĩnh thường có thói quen thư giãn. Anh đưa tay chọn một đĩa nhạc tiền chiến và bật nút.
    Vĩnh ngã người trên chiếc ghế cho dòng suối nhạc dịu êm len lỏi vào từng sợi dây thần kinh não. Vĩnh thấy dễ chịu làm sao.
    Vĩnh rất yêu âm nhạc và thi ca. Bởi vậy Vĩnh chọn ngành sư phạm để được truyền đạt cho học sinh của mình những tri thức, những trào lưu văn học để chúng thêm yêu tiếng mẹ đẻ, làm giàu ngôn ngữ sống của một dân tộc và thêm thi vị cho cuộc đời. Bởi vì anh quan niệm âm nhạc làm tươi mát tâm hồn người như cây cối hoa lá được tắm sương mưa. Còn thi ca, thơ phú làm đẹp thêm cuộc sống của con người. Nó chẳng những làm cho con người hiểu thêm về nguồn cội của họ, mà còn làm cho người ta thấy hãnh diện khi được làm người. Vốn là một sinh vật cao cấp nhất trong muôn loài. Từ đó người ta sẽ có ý thức tốt và hành động đúng đắn phù hợp với đạo lý chân, thiện, mỹ vốn là nề nếp đạo đức căn bản của mỗi người dân Việt.
    Vĩnh chợt nghĩ đến học sinh của mình. Nhìn chung, Vĩnh thấy chúng khá tốt. Con gái có nề nếp kỷ cương hơn con trai. Nhất là ban chỉ huy lớp. Anh đặc biệt hài lòng về cách làm việc linh hoạt của cô lớp trưởng. Tuy nhiên, về phía con trai, Vĩnh thấy còn một số em chưa có ý thức học tập cao, được dịp là chọc phá bạn, chưa trao dồi đạo đức tốt... Lớp còn hiện tượng "cặp đôi" vô bổ, gây xao nhãng học tập cho mình và người khác. Dù rằng đó là tâm lý tự nhiên của tuổi mới lớn. Nhưng anh sẽ đợi dịp nào đó giúp chúng nó hiểu một tình yêu trong sáng là gì? Ở tuổi nào thì có tình yêu được. Với cương vị một người đi trước hay đúng hơn là một người anh. Nhưng rồi Vĩnh lại ngại, năm thi. Vĩnh sợ anh không có dịp để trò chuyện thân mật với chúng. Bởi thời gian cứ vùn vụt trôi qua và bài vở công việc cứ chất chồng, chợt Vĩnh ngừng suy nghĩ để lắng tai nghe một dòng nhạc êm ru như lời thầm thì tình tự từ mấy dòng thơ Quang Dũng:
"Đôi mt người Sơn Tây - U un chiu tin bit - Hn vin x khôn khuây..."
    Ôi, bài hát! Bài hát mà đã quá lâu vì cơm áo đời thường dồn dập Vĩnh tưởng đã lãng quên. Bài hát có ảnh hưởng sâu sắc với anh. Nó làm anh nhớ khôn nguôi người em gái nhỏ thương yêu nhất của anh đã vĩnh viễn nghìn thu an bình ở một góc đồi thông mơ mộng, nơi thành phố sương mù quê hương yêu dấu của anh, hai năm trước.
    - Lê Phước Vĩnh An.
    Vĩnh thầm gọi tên cô em gái nhỏ của mình. Cô bé xinh xắn, dịu dàng và mộc mạc như một bông hoa súng của miệt đồng quê Nam bộ. Cô em gái nhỏ cách Vĩnh đến bảy tuổi mà Vĩnh đã khóc lóc đòi mẹ lấy nguyên tên mình để đặt cho em bé gái.
    Lúc đó, mẹ Vĩnh - một người đàn bà có học thức cũng đã suy ngẫm rất kỹ ý nghĩa của hai chữ "Vĩnh An" và đồng ý đặt tên cho con gái với ước mơ đời nó sẽ mãi mãi được hưởng phước an vui.
    Nhưng ác nghiệt thay, một cơn bạo bệnh bất ngờ đã cướp mất Vĩnh An lúc cô bé đang ở lứa tuổi tròn trăng đầy mơ mộng, để lại một nỗi buồn mênh mông cho hai trái tim một trẻ, một già! Bởi ba của Vĩnh, ông Tuấn - một cán bộ ở viện nghiên cứu cây xanh đã mất vì tai nạn nghề nghiệp cách đó sáu, bảy năm rồi.
    Những chuỗi ngày còn lại từ sau những ngày tháng đau buồn đó Vĩnh quyết đi thật xa để quên bớt nỗi buồn, quên đi đôi mắt người em gái yêu thương mang nhiều dáng dấp của
"đôi mt người Sơn Tây... u un chiu tin bit."
    Nhưng không! Vĩnh sẽ mãi mãi không quên được đôi mắt ấy! Bởi vì Vĩnh đã bắt gặp nó hôm qua, trong lớp của chàng!
    Vĩnh lắc đầu thật mạnh vẫn thấy hình ảnh đôi mắt cô học trò của Vĩnh, một đôi mắt tròn đen lay láy, phảng phất nét buồn mơ đã đôi lần làm tim anh xao xuyến.
    Vĩnh đưa mắt nhìn lên khoảng trời xanh thơ mộng, lòng dâng lên một miền vui nho nhỏ ngọt ngào.
    Thế là từ đây, Vĩnh có thể gặp lại Vĩnh An - cô bé "nu" yêu mến của anh khi anh vào lớp chủ nhiệm của mình.

 

 

Het phan 3

Phan: 1 2 3 4 5

Используются технологии uCoz